- 23/04/2020
- 1294 lượt xem
- Tin tức
Tăng cường đầu tư năng lực phân tích, kiểm nghiệm đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương
TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ NĂNG LỰC PHÂN TÍCH, KIỂM NGHIỆM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU QUẢN LÝ CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm tỉnh Cà Mau
Ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, người dân càng quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, phân tích thành phần, xác định hàm lượng, kiểm soát các mối nguy,… Cụ thể một số lĩnh vực như: Phân tích, kiểm nghiệm về bệnh tôm (tôm giống, tôm nuôi); kiểm nghiệm mẫu nước phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản; bệnh trên gia súc, gia cầm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu về nước uống, nước sinh hoạt, nước thải; kiểm nghiệm các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh trong thực phẩm,… góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường,…; các doanh nghiệp căn cứ kết quả kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa,… Kết quả phân tích, kiểm nghiệm mẫu còn là cơ sở để các sở, ngành chức năng tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có kế hoạch, giải pháp phù hợp nhằm chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội sát với tình hình thực tế, đảm bảo tính bền vững và hiệu quả.
Xuất phát từ tình hình trên, với mục tiêu là đầu tư, tăng cường nâng cao trình độ nguồn nhân lực; nâng cao năng lực kiểm nghiệm, tư vấn, dịch vụ kỹ thuật nhằm đáp ứng được yêu cầu của tỉnh ngày 17 tháng 4 năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định số 659/QĐ-UBND về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tăng cường năng lực Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm đáp ứng yêu cầu quản lý của địa phương. Việc nâng cao trình độ nguồn nhân lực gồm: đào tạo về hệ thống quản lý phòng kiểm nghiệm theo phiên bản mới ISO/IEC 17025:2017; đào tạo về chuyên môn, kỹ thuật về kiểm nghiệm, tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo; đánh giá chứng nhận phòng thử nghiệm chỉ định theo quy định; chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Việc nâng cao năng lực kiểm nghiệm gồm: đầu tư các máy móc, dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ các trang thiết bị hiện tại của Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm và các trang thiết bị khác nhằm mở rộng năng lực, phát triển chỉ tiêu phục vụ kiểm nghiệm về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, bệnh học. Tổng kinh phí thực hiện Dự án gần 9,3 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn từ năm 2020 – 2021.
Dự án còn góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, nguồn lực, thế mạnh của tỉnh; tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển toàn diện cả chiều rộng lẫn chiều sâu; cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học và công nghệ trong tất cả các ngành, lĩnh vực; đảm bảo an sinh, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phấn đấu đến 2020 trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; đồng thời nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, đòi hỏi hoạt động phân tích, kiểm nghiệm của tỉnh phải đẩy mạnh, đi vào chiều sâu với đội ngũ cán bộ có chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao. Do đó, tăng cường nguồn lực, trang thiết bị kiểm nghiệm là giải pháp tất yếu đáp ứng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nêu trên của tỉnh đến 2020 và các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, định hướng phát triển Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm, cần phải đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thực hiện các phép thử mà phòng kiểm nghiệm tiến hành kiểm nghiệm là một trong những yêu cầu bắt buộc của Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 - Yêu cầu chung về năng lực của phòng kiểm nghiệm.
Thời gian tới, việc triển khai thực hiện Dự án sẽ tăng cường năng lực cho Trung tâm Phân tích, kiểm nghiệm giúp phục vụ quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường; ngoài ra, còn nhằm đạt mục tiêu của Ủy ban nhân dân tỉnh khi thành lập Trung tâm là: tránh đầu tư dàn trải, phân tán, không tập trung; sử dụng hiệu quả nguồn lực (nhân lực, vật lực); nâng cao năng lực phục vụ công tác quản lý nhà nước.... góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.